Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

CAC TRUONG PHAI HOI HOA/ CEZANNE..






Nghệ thuật không ngừng thay đổi [4]

EmailInPDF.
Ray BethersNhư Huy dịch
PAUL CÉZANNE ( 1839-1906 )
alt
Chân dung tự họa của Cezanne
Hầu như là nhiệm vụ bất khả thi cho mọi cuốn sách muốn xếp, hoặc là các họa sỹ, hoặc là các trường phái theo một lớp lang thứ tự (Historical order), bởi thật khó tránh khỏi những biến thiên chồng lấp của đời sống và thời gian. Ví dụ, Cézanne của năm 1866, là một kiểu họa sỹ khác xa với Cézanne của năm 1906.
alt
Tác phẩm thời kỳ đầu của Cézanne (1866)
Như các họa sỹ khác cùng thời, Cézanne cũng khởi nghiệp bằng lối vẽ đơn sắc, song sau đó, khi làm việc chung với Pissarro tại Auvers, ông đã tiếp nhận bảng mầu của các nhà Ấn Tượng. Tuy nhiên, ngay lập tức, Cézanne cảm thấy không thể thỏa mãn chỉ với hiệu ứng ánh sáng nhất thời của chủ nghĩa Ấn Tượng, bởi, như lời ông tuyên bố, ông muốn làm cho bức tranh phải “ trở nên một thứ gì đó bền vững, như kiểu nghệ thuật trưng bầy trong bảo tàng vậy “. Thế nhưng, cho mãi tận lúc tuổi gần bốn mươi, khi vẽ bức tranh đầu tiên bằng cách sử dụng mầu sắc để tạo hình khối, Cézanne mới bắt đầu thực hiện niềm thôi thúc này.
alt
Phong cảnh với các nét viền và những" lối mở qua"
Thể hiện không gian và khối bằng tương quan các mầu nóng lạnh, cách vẽ mới của Cézanne hòan tòan tuân theo quy tắc của bảng cân đối mầu. Vì thế, một trái táo chẳng hạn, có lẽ sẽ được vẽ từ trước tới sau, không chỉ với một mầu duy nhất, mà với các trát (mầu) nhỏ, Da cam, Đỏ, Tím và Xanh lam, từ nóng tới lạnh, được xếp liên tiếp nối nhau. Trong các bức tranh của mình, Cézanne cũng thể hiện các mảng khối lớn có nét viền quanh, song, bằng cách mở ra nhiều khỏang hay “các lối mở qua “ (Passages) trên những nét viền đó, ông đã liên nối các mảng khối ấy với nhau.
alt
Những quả táo của Cézanne
alt
Phong cảnh với những nét viền và lối mở qua
Trong các bức tranh của Cézanne, những gì ở ngay cái nhìn đầu tiên trông có vẻ méo mó, thực tế lại chính là những giải pháp dung hòa vô cùng phức tạp giữa các vật thể tranh, không gian, đừơng nét và mầu sắc – sao cho tất cả cùng lúc, quyện tạo nên nhau. 
Hầu như mọi không gian (tranh) của Cézane đều ba chiều, bởi chúng được tổ chức không chỉ từ trước tới sau, mà còn từ trên xuống dưới cũng như từ bên này qua bên kia.
CHỦ NGHĨA DÃ THÚ ( 1905 – 1908 )/FAUVISM
Hầu hết là bạn bè chung trường vẽ, lần đầu tiên các nhà Dã Thú được định vị với tư cách một nhóm là tại Triển lãm Salon d’Automne năm 1905*. Cái tên “ Dã Thú” của nhóm ra đời từ nhận xét của một phê bình gia. Ông này, khi xem một tác phẩm điêu khắc đồng (theo phong cách Florence ) nằm giữa đống tranh của các họa sỹ, đã thốt lên : “ Donatello giữa bầy dã thú".
alt
Tác phẩm của Matisse
alt
Tác phẩm của Matisse
alt
Tác phẩm của Matisse
Chủ nghĩa Dã Thú, trường phái nghệ thuật của những sắc mầu chói lọi và căng thẳng là một tổng hòa từ nhiều nguồn mạch- bảng mầu mang tính cá nhân cao độ của Van Gogh, các đường nét và mầu sắc ngẫu hứng của Gauguin, nguyên lý mầu sắc của Seurat và không gian mầu sắc của Cézanne.
alt
Tác phẩm của Derain
alt
Tác phẩm của Friesz
alt
Tác phẩm của Vlaminck
alt
Tác phẩm của Braque thời Dã Thú
Chủ nghĩa Dã Thú là một cách thể hiện đầy tươi trẻ, bởi hầu hết các nhà Dã Thú, vào lúc ấy đều mới chỉ chớm đôi mươi. Matisse, người có già hơn đôi chút, là lãnh đạo chính thức của nhóm. Vlaminck, Derain, Van Dongen, Marquet, Duffy, Braque (thời kỳ đầu - sau này ông trở thành một trong những nhà sáng lập của chủ nghĩa Lập Thể|Cubism-xem ở phần sau-ND) và Friesz cùng là các nhà Dã thú, tuy khác nhau ở phong cách riêng, nhưng đều sử dụng bảng mầu chói lọi khi vẽ.
Bất chấp việc bị gọi là “ Dã Thú”, và dẫu cho bảng mầu của họ tự thân rất bạo liệt, sự chói lọi và căng thẳng trong cách sử dụng mầu sắc của các nhà Dã Thú, thật ra, lại là kết quả của những bước thực hiện rất cẩn trọng, bởi họ đã phải đặt từng lớp từng lớp các mầu bổ sung bên nhau, sao cho mầu này có thể bắt mầu khác rung lên và làm cho tổng thể các mầu sắc trở nên rực chói nhờ vào sự tương phản của chúng.
TRANH DÁN GHÉP [ PAPIERS COLLÉS ( Tranh cắt dán ) ]1914
alt
Tranh tường làm bằng kỹ thuật ghép dán (mosaic) cách đây khoảng 1400 năm
Việc ứng dụng các dán nối và đan ghép thực trên bề mặt ( tranh) không phải là một ý tưởng mới mẻ gì, mosaic(2) chẳng hạn, đã chính là một kiểu Tranh Dán Ghép. 
Tuy nhiên các nhà Lập Thể lại tìm tòi các hiệu ứng khác, khi tách tất cả dán nối và đan ghép khỏi văn cảnh để rồi, một cách đầy sáng tạo, liên kết chúng lại trong các quan hệ mới. Và như thế, “ Tính-thực-có “ (Realness) của những dán nối và đan ghép bằng đồ vật thực đã mang đến ý nghĩa mới khi được tương phản (với nhau) theo cách này. Các dán nối và đan ghép bằng đồ vật thực cũng xuất hiện trong vai trò vật thể tranh; Một hàng chữ chẳng hạn, sẽ hết còn là bản thân ( Dùng để tạo nghĩa-ND) khi xuất hiện lùi tuốt sâu vào không gian (trong vai trò của một vật thể tạo hình-ND).alt
Tác phẩm dán ghép của Picasso
alt
Tác phẩm dán ghép của Braque
Cả Braque và Picasso đều sử dụng các dán nối và đan ghép thực trong vai trò những kết cấu ( là vật thể hữu cơ của bức tranh ), ví dụ, một vạch kẻ đè lên trên kết cấu của các mảnh báo chồng lấp, có lẽ sẽ miêu tả một mặt bàn, một mặt tiền cửa hàng hay thậm chí một cây Guitar.
Tuy nhiên, Juan Gris thỉnh thỏang cũng làm ngược lại, để mặc cho tờ báo là tờ báo, và sử dụng các mảnh vân gỗ thật trong vai trò thành tố của một vật thể tranh mô tả chất liệu gỗ. Vì lẽ đó, các dán nối và cắt ghép giờ đây cùng lúc đã mang theo hai ý nghĩa, vừa là các kết cấu trên bề mặt, vừa là một phần của chính đề tài. 
alt
Tác phẩm dán ghép của Juan Gris
Rất lâu sau này, và không hề chịu ảnh hưởng gì của dạng Tranh Dán Ghép theo kiểu Lập thể, Pierre Matisse đã tạo nên các Papiers Collés (Tranh cắt dán) với giấy được cắt dán trong những sắc mầu chói lọi kỳ lạ. Đây là một bước phát triển tự nhiên từ bảng mầu nông ( và rực sáng ) trong các bức tranh của ông, song nó cũng tạo ra những ý nghĩa mới cho nghệ thuật Tranh Dán ghép ở một chiều hướng chưa từng được khảo sát trước đây.
alt
Tranh cắt dán của Henri Matisse
alt
Tranh cắt dán của Matisse
alt
Tranh cắt dán của Matisse
VÀI NGUYÊN TẮC LẬP THỂ LƯỢC ĐỒ HÓA 
alt
Trên mấy lược đồ này là các khám phá (hay tái khám phá) của Picasso, Braque và Gris. Trong bức hình trên cùng, “ vẻ thực chất “ (reality) của “ vân gỗ “ đã tạo ra hiệu ứng phẳng dẹt theo một kiểu khác với kiểu do hình ảnh đảo ngược với luật xa gần nơi cái mặt bàn tạo ra. Bởi chỉ có (duy nhất) một nét viền chung cho cả trái banh lẫn lọ hoa, không gian bỗng trở nên khó xác định khi luôn dao động một cách huyền ảo khi gần khi xa.
Một nhóm các vòng nhỏ xíu được vẽ đậm nét để nhấn mạnh hình dạng xoe tròn, nhưng không tạo khối của chúng. Hai mảnh dẹt của một cái chai xẻ đôi đứng xộc xệch và khối được thể hiện qua hai mảnh dẹt ấy theo các mức khác nhau. Ở góc phải, một hình chữ nhật trong suốt đến nỗi cả nó và mặt phẳng nằm dưới nó đều được nhìn thấy cùng lúc. Cạnh trước và cạnh sau của chiếc bàn ở bên phải cao hơn ở bên trái, làm cho không gian ở phía này được hiển lộ nhiều hơn (đây là một khám phá của Cézanne mà bạn sẽ thấy trong rất nhiều bức tĩnh vật khác do ông vẽ). Hai ký tự, cùng lúc được tạo hai hiệu ứng, vừa phẳng dẹt, vừa gợi khối. Nét vẽ thể hiện tấm khăn trên mặt bàn không hề được khép lại, mà để ngỏ ra nơi góc cao phía phải. Chính nó đã tạo ra “ Lối mở qua “- là chỗ để hai mảng hình trước và sau hội nhập. Hiệu ứng hợp nhất này cho phép mắt người xem không bị vướng víu khi lưu chuyển từ mảng hình này qua mảng hình khác. 
Lược đồ thấp hơn minh họa cho một nguyên tắc tương tự theo hai cách khác nhau. Nguyên tắc ấy ở đây chính là “ Lý thuyết Đảo Chỗ “ (Theory of displacement). Lý thuyết này xây dựng nên các bức tranh theo cách sau; Khi những mối quan hệ cân xứng và hợp tự nhiên của các đặc điểm nhận dạng như đôi mắt, đôi tai…vv, bị đảo chỗ, một cảm thức về chuyển động sẽ tất yếu sinh ra khi người xem, theo bản năng, và bằng hành vi tưởng tượng thị giác, tự động liên kết các yếu tố bị dời chuyển về lại với các mối quan hệ cũ, hợp tự nhiên của chúng. Đây cũng có thể gọi là một hiệu ứng "Không-Thời gian"(3).
Thao tác đảo chỗ được thể hiện qua hai bức hình vẽ hai cái đầu trên đây, được đồ nét lại từ các bức tranh của Picasso. Qua đó chúng ta thấy, dù phong cách của hai bức tranh có khác nhau, nguyên tắc (đảo chỗ) là hòan tòan tương tự.
CHỦ NGHĨA VỊ LAI ( 1909 – 1910 ) / FUTURISM
alt
Chân dung Marinetti
Hầu như mọi trừơng phái hội họa đều được hình thành một cách ngẫu nhiên ( Như kiểu chủ nghĩa Ấn Tượng hay chủ nghĩa Lập thể chẳng hạn ), tuy nhiên chủ nghĩa Vị Lai thì lại khác, bởi nó được vạch kế họach ngay từ ban đầu. Con đường của nó đã được vẽ ra trong tuyên ngôn Vị Lai, viết bởi thi sỹ Ý, Marinetti, và được sự cổ vũ của năm họa sỹ Ý khác là, Severini, Balla, Boccioni, Russolo và Carra. Nhân đây cũng phải nhấn mạnh là, chữ “ vị lai “ (futuristic) thường xuyên được sử dụng cho hội họa hiện đại nói chung, song điều này là sai lầm bởi chủ nghĩa Vị Lai, tự nó, là một phong cách hòan tòan riêng biệt.
alt
Tác phẩm của Balla
alt
Tác phẩm của Boccioni
alt
Tác phẩm của Severini
alt
Tác phẩm của Russolo
alt
Tác phẩm của Càrra
Tuyên ngôn Vị Lai quá dài để có thể đăng lại nguyên văn, song trích đọan sau đây cũng diễn tả đầy đủ những gì các nhà Vị Lai muốn thực hiện:” …Vạn vật đều chuyển động, lướt nhanh, thay đổi mau lẹ. Trước mắt chúng ta, hình ảnh không tĩnh tại, mà liên miên thoắt ẩn thoắt hiện. Bởi võng mạc có khả năng lưu giữ lại hình ảnh cũ, những vật thể chuyển động bỗng trở nên bội số, thay hình đổi dạng trong cuộc săn đuổi lẫn nhau, và rung nhòa lên khi băng ngang không gian. Để rồi những cú nước đại của một con ngựa đã không còn chỉ với bốn, mà hai mươi vó cũng như chuyển động của các vó ấy (vì bị cuốn vào nhau ) đã tạo nên một hình tam giác.”
alt
Tác phẩm "Khỏa thân đi xuống cầu thang" của Marcel Duchamp
Như vậy, nhìn một cách nào đó, chủ nghĩa Vị Lai, khi tìm cách miêu tả các giai đọan chuyển động nối tiếp của một vật thể, y như là khi bạn đang đứng yên vào lúc vật thể ấy lướt qua mắt bạn, một cách chính xác, đối nghịch hẳn lại với nỗ lực của chủ nghĩa Lập thể Phân Tích, tìm cách phô bầy ra cùng lúc tất cả các góc cạnh của một vật thể, y như là khi bạn di chuyển vòng quanh vật thể. Ý niệm về các giai đọan chuyển động nối tiếp của chủ nghĩa Vị Lai, từ rất sớm, đã báo trước cho ngành nhiếp ảnh động (stroboscopic photography) sau này. Mặc dù không là thành viên của nhóm này, và thậm chí không được coi là một nhà Vị Lai, bức tranh “ Người khỏa thân xuống cầu thang “ ( Nude Descending a Staircase ) của Marcel Duchamp đã được vẽ bằng phương pháp, cảm xúc và hiệu ứng của chủ nghĩa Vị Lai.
-------------------
(1) Salon là tên một triển lãm thường niên chính thống của Pháp, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1667, khởi điểm chỉ dành cho các thành viên của học viện hoàng gia về điêu khắc và hội họa. Bước ngoặt xẩy ra vào năm 1863, khi có sự xuất hiện của triển lãm Salon des Refusé ( Salon của đồ bỏ ), là triển lãm trưng bầy những tác phẩm bị ban tuyển chọn của Salon chính thống loại ra. Vào năm 1881, trường mỹ thuật Paris thôi không điều hành triển lãm này nữa và một nhóm nghệ sỹ - những người tổ chức ra hội nghệ sỹ Pháp ( Socíeté des Artistes Francais ) – đã nhận trách nhiệm thực hiện triển lãm, với thành phần của ban tuyển lựa luôn được bầu vào kỳ triển lãm năm trước, bởi các nghệ sỹ tham dự triển lãm. Từ đó, đã có rất nhiều triển lãm được tổ chức nhằm phá hủy đi cái danh tiếng không mấy tốt đẹp trước đây của triển lãm Salon chính thống – là chống lại nghệ thuật tiền phong. Tiêu biểu có thể kể tới là triển lãm Salon des Indépendants (Salon của các nghệ sỹ độc lập )vào năm 1884, hay triển lãm Salon d’Autone (Salon mùa thu), vào năm 1903, 1905-ND
(2)Mosaic, nghệ thuật tạo ra các đồ vật và tranh ảnh bằng cách sắp xếp các mảnh kính, cẩm thạch hoặc các chất liệu thích hợp khác ( thường xuyên được phủ mầu ) và rồi lắp ghép chúng vào tường , sàn, trần thạch cao hoặc xi măng. Nghệ thuật này xuất hiện và được phát triển bởi người La mã, và rồi lên đến đỉnh điểm khi nó được ứng dụng vào để trang trí các bức từơng nhà thờ Cơ Đốc thời kỳ đầu tại Ý, sau đó, nó tiếp tục được duy trì bởi Đế chế Byzantine qua suốt thời Trung Cổ. Nó cũng xuất hiện trong nghệ thuật của người Aztec, Mexico, dưới dạng các bức tranh nhỏ gọn hoặc các đồ khảm trong nội thất- ND

(3) Như Ray Bethers đã viết trong phần chủ nghĩa Lập Thể Phân tích, với chủ nghĩa lập thể, người xem không cần tốn một khỏang thời gian thực để đi vòng quanh vật thể mà vẫn có thể cùng lúc thấy được tất cả các cạnh mặt của nó. Tương tự như vậy, ở đây, người xem cũng không cần sử dụng thao tác thực trong một khỏang thời gian thực để liên kết lại các yếu tố bị dời chuyển trong tranh, mà là các yếu tố ấy, thông qua trí tưởng tượng thị giác của họ, sẽ tự động được nội liên với nhau bất chấp các quy luật không-thời gian thông thừơng-ND
(Còn tiếp)
--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét